“Trong sự đổ vỡ và hỗn loạn, chúng ta nhìn thấy chính mình. Trong sự gò bó và ràng buộc của hệ thống, chúng ta tìm thấy lý tưởng và tự do. ” – đó là những thông điệp mà sự kiện “ALL ABOUT US: HEARTCORE” muốn giới thiệu cho giới trẻ Sài Gòn và mang đến một bữa tiệc âm nhạc bùng cháy với sự giao thoa giữa nhạc điện tử, hip-hop và đặc biệt punk rock!
“Heartcore = Heart + Hardcore.”
HEARTCORE sẽ làm sống lại những ký ức hoàng kim của những năm 90s điên cuồng với tinh thần Hardcore, phản phất những hương vị hiện đại đến từ electronic, hip-hop, dance,… kết hợp cùng tinh thần thời trang đậm chất punk rock của AAH MIDNIGHT CLUB, hứa hẹn sẽ bùng nổ và náo động Arcan ngày 23.7.2022 sắp tới đây.
Kimmah (Hà Lan/Việt Nam) – FRI 22.07 @ The Observatory
Kimmah là một DJ gốc Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Rotterdam, Hà Lan. Được biết đến rộng rãi trong cộng đồng người nghe nhạc điện tử qua những set DJ tràn trề năng lượng được cấu thành bởi sự thô ráp, đen tối nhưng cũng không kém phần cuồng nhiệt. Kimmah cũng từng được DJMAG.COM đề cập đến như một trong những DJ đang lên nổi bật nhất hiện nay, điều đó đã minh chứng rõ nét cho sự cuốn hút và sắt sảo mà người ta tìm thấy trong âm nhạc của Kimmah.
Sinh ra và lớn lên ở xứ sở hoa Tulip, Kimmah từng theo học ngành Kiến trúc và Thiết kế đô thị, cũng từ đó mà cô say mê với thẩm mỹ của những thiết kế công nghiệp bị lãng quên tại nơi sinh sống – qua những âm thanh mà Kimmah mang đến, người nghe như lạc vào những tầng hầm bê tông bỏ hoang của một thành phố công nghiệp kì quái.
SHHHHH (El Folklore Paradox, The Observatory – JP) – SAT 23.07 @ The Observatory
Shhhhh là cái tên khét tiếng trong cộng đồng nhạc điện tử underground Nhật Bản. Phong cách âm nhạc độc đáo của anh đề cao tính linh hoạt, đa dạng và không ngừng đổi mới, cũng vì đó mà anh thường xuyên góp mặt trong line-up của các sự kiện hàng đầu tại Nhật Bản và châu Á. Khi biểu diễn trong club, Shhhhh thường ngẫu hứng freestyle, trình diễn các thể loại âm nhạc từ truyền thống cho đến những âm thanh điện tử mới nhất.
Trong 5 năm qua, Shhhhh đã dần trở nên quen thuộc với các tín đồ âm nhạc điện tử trên toàn thế giới qua màn hợp tác với Nicola Cruz trên Đài FM Gilles Peterson’s Worldwide danh tiếng, giữ vị trí Resident DJ tại The Observatory Sài Gòn từ 2018 và được giới thiệu tại NTS radio, lễ hội Rainbow Disco Club,…
QUAN (Quanalog Instruments – VN) – SAT 30.07 @ The Observatory
Quan hay còn được biết đến dưới cái tên Quanalog là một nghệ sĩ chuyên thử nghiệm và thiết kế âm thanh qua những bộ modular synthesizers. Âm nhạc của anh đa dạng từ nhạc thể nghiệm, minimal techno cho đến deep house.
Quan cũng là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nhạc điện tử thể nghiệm tại Việt Nam, những màn ngẫu hứng là điều đặc trưng trong những set diễn của anh, mang đến làn gió mới và phá vỡ sự nhàm chán của những bài nhạc mang cấu trúc truyền thống.
OCCA (Archiv – JP) – SAT 27.08 @ The Observatory
OCCA là một DJ kiêm promoter rất được kính nể trong giới Techno Nhật Bản. Trong âm nhạc, anh đề cập đến khái niệm Wabi-Sabi như một sự mô tả độc đáo về các DJ Nhật Bản cũng như bản thân anh: một sự cân bằng giữa nhiều thể loại nhạc điện tử.
Khi chuẩn bị cho một buổi biểu diễn, OCCA thường thu thập mọi thông tin về sự kiện để chơi nhạc phù hợp với đặc điểm của buổi tiệc hết sức có thể, nhờ đó những set nhạc của anh luôn là độc nhất và không lặp lại ở bất cứ đâu. Không ngừng tiến hoá và hoàn thiện âm nhạc của bản thân, tính đến nay OCCA đã biểu diễn tại Exit The Labyrinth, Balance, & Dommune x Boiler Room,…
Vừa qua, Drake đã giới thiệu dự án album “Honestly, Nevermind” mang một màu sắc âm nhạc mới qua những cảm hứng đến từ những sàn nhảy underground quốc tế hay còn được gọi là “global club music”. Phần âm nhạc sản xuất trong album mang đậm dấu ấn của “jersey club”, “deep house” và “amapiano” đến từ Nam Phi cùng nhiều ảnh hưởng khác tương tự.
Thế giới và cộng đồng người hâm mộ Drake đều đưa ra những ý kiến đối nghịch về album này. Cả tốt lẫn xấu và …vì sao? Chúng ta hãy đi sâu vào album này cùng V2X ngay sau đây:
Intro
Intro định vị màu sắc mood ban đầu cho toàn bộ album, được Drake khởi hành bằng một đoạn saxophone rất soulful đến từ Kid Masterpiece. Âm thanh mang không gian quen thuộc, ầu sầu, sâu lắng được nhấn mạnh bởi tiếng vang đặc trưng của executive producer “40” của Drake.
2. Falling Back
Ngay tại đây chúng ta được chìm vào không gian âm nhạc mới của ngôi sao hip-hop với sự lựa chọn là “deep house”. Cũng không thực sự lạ lẫm nếu bạn đã nghe album “More Life” của Drake vào năm 2017 với bài “Get it together” feat. Jorja Smith và Black Coffee. Cũng như sản phẩm đó, Drake tiếp tục khám phá sự giao thoa của R&B với một uptempo house beat, cách hát của nam rapper làm chúng ta liên tưởng bản hit một thời “Passionfuit” (More Life, 2017). Cảm xúc của bài nhạc được truyền tải mềm mỏng, da diết về một sự thật mà anh ta không thể từ bỏ được.
Khá nhạc nhiên khi biết rằng ca khúc này được sản xuất bởi “KeineMusik”, một label âm nhạc điện tử đến từ Berlin có tiếng trong giới deep house.
3. Text Go Green
Album được tiếp tục nối tiếp với những nhịp house rất groovy cùng những hợp âm piano đượm buồn, đánh dấu sự trở lại của ngôi sao dòng nhạc house đến từ Nam Phi, Black Coffee. Nội dung của bài nhạc xoay những cuộc tình mà Drake không được hồi đáp.
4. Currents
Đây ca khúc đầu tiên được tiết lộ trước khi “Honestly, Nevermind” ra mắt. Vẫn là sự thất tình của Drake trên những giai điệu mơ mộng do “40” thực hiện, nhưng lần này được thể hiện trên một con beat mang ảnh hưởng của Jersey Club. Ngay khi “tiếng rít của chiếc giường” vang lên trong bài hát, chúng ta nhớ ngay tới dòng nhạc đã càn quét các sàn nhảy underground những năm 2014-2016. Tuy nhiên, khác với Jersey Club thông thường, tempo bài nhạc đã được giảm xuống rất nhiều.
Jersey Club là một thể loại nhạc điện tử đến từ thành phố New Jersey, những người tiên phong của dòng nhạc này đã chia sẻ sự hãnh diện trên mạng xã hội khi được Drake “chọn mặt gửi vàng”.
5. A Keeper
Okay, okay… không thể từ chối sử dụng auto-tune trong bài nhạc này, mặt dù chỉ ở mức độ “phảng phất” nhưng cũng tạo ra hiệu ứng khá lạ cho bài nhạc. “Why would I keep you around? Why would I keep you around?” – thay vì thất tình, giờ đây Drake chia sẻ về tính cách “có mới nới cũ” của bản thân, khúc hát như được cất lên bởi chính cái tôi của nghệ sĩ đào hoa này.
6. Calling My Name
Drake thật sự muốn chia sẻ cho mọi người biết rằng anh ta không thể nào quên được hình bóng ấy và ước mong tình duyên quay lại với anh. Là ai thì không biết nhưng sau 55s đầu tiên, ta thấy được giọng hát “tài năng” của Drake, acapella và không beat.. “Kill a cop blood, Kill a cop blood” chúng ta cuối cùng được quay lại nhún nhảy với những nhịp “minimal house” của Alex Lustig, Beau Nox, Gordo, Klahr và Richard Zastenker. Quay lại với âm thanh ký ức của Open Air Berlin những năm 2004 – 2008.
7. Sticky
Wow, bỗng nhiên chúng ta được thức dậy phải không? Sau 6 bài năng lượng trầm đây là ca khúc đầu tiên thật sự mang nhịp “Dance” và đặc biệt lại đậm chất Jersey Club. Đúng nhịp, đúng tempo. Và anh ta đã quay lại với rap. Good track! Phải shout-out tới Gordon và RY X.
8. Massive
Ngay những hợp âm đầu tiên làm chúng ta nhớ tới “Chris Brown ft Benny Benassi – Beautiful People” (2011) – đậm chất pop/house, nhưng lại là phiên bản “không hề điện tử”. Những nhịp trống ghi nhớ tới thời của Disclosure + Italo House. Có lẽ đây là một trong những bài tiềm năng nhất để các DJ lựa chọn để mang vào club?
9. Flights Booked
Tiếp tục với deep house và âm nhạc trữ tình, những vocal chops mang phong cách UK 2010 đến từ SBTRK, Gold Panda, Eliphino v.v… Ấn tượng nhất là đoạn vocal sample đến từ ban nhạc RnB thập nhiên 90, Floetry với ca khúc “Getting Late”. Công nhận Drake luôn là người chọn sample rất tinh tế để thể hiện kiến thức âm nhạc.
10. Overdrive
Cảm giác đen tối mà bài nhạc này mang lại thổi cơn gió mới vào album. Âm thanh mang nhiều ảnh hưởng từ “808s & Heartbreak” của Kanye West, đặc biệt là những đoạn Drake hạ giọng xuống thấp.
11. Down Hill
Black Cofffee and Noah Shebib again! Beat rất đơn giản với groove tropical được ngắt bởi tiếng snap. Qua bài nhạc, Drake chia sẻ về cảm xúc tê liệt của anh trong một mối quan hệ dài hơi, như một lời chia tay mà nam rapper dành cho người bạn gái của mình.
12. Tie That Binds
Sự xuất hiện của Ginton với đoạn guitar solo chính là điểm sáng nhất của ca khúc này. Sau khi Gordo đưa vào những nhịp trống, vibe của bài nhạc đã trở nên bay bổng, cho tới khi Drake quay trở lại với giọng hát… hmm. (Cũng may là đoạn cuối chung ta được thưởng thức phiên bản không lời toàn bộ)
13. Liability
Cuối cùng cũng có một bài không phải là house, mà là một downtempo trap beat với giọng hát chopped & screwed, pitch voice xuống thấp. Nhớ lại mixtape đầu tiên của Drake “So Far Gone”, sự âu sầu này của Drake mới thật sự là chuẩn chỉnh.
14. Jimmy Cooks
Kết thúc album với một bài có feature duy nhất trên album. Đó chính là 21 Savage. Hoàn toàn Hip Hop Trap. Nhưng mà tại sao?
Bắt đầu với nhịp điệu cũ trước khi chuyển sang âm thanh đương đại hơn khi 21 Savage lên tiếng, “Jimmy Cooks” mời gọi người nghe vào một cuộc hành trình xuyên thời đại, Drake rap trở lại bằng những cảm hứng hip-hop xưa cũ.
Kết thúc nhận bài cảm nhận về album “Honestly, Nevermind” của Drake, V2X muốn tổng hợp lại ý kiến và nhận xét album này là một thử nghiệm âm nhạc đối với Hip-hop. Ngay khi lúc Drake chọn màu nhạc chính là house, anh đã thể hiện khao khát khám phá và khác biệt trên thị trường âm nhạc. Từ trước đến này, Drake luôn được công nhận là một người rất am hiểu nhiều thể loại âm nhạc underground, và luôn đưa những sample hoặc reference mới và ít người biết vào âm nhạc thị trường để giới thiệu cho khản giả mainstream. Đó chắc là điều Drake luôn được kính nể nhất. Có thể đó cũng là lý do vì sao Drake chia sẻ khúc audio này trên mạng xã hội:
“It’s ok if you don’t get it yet.”
Mặt khác, với quan điểm có thể hơi cá nhân, nhưng V2X có sự đồng cảm với những người đang “chê” album này trên mạng xã hội. Cách trình diễn giọng hát của Drake và những lyrics bi luỵ, kèm theo sự “ái kỷ” thái quá khiến cho nhiều người cảm thấy “phiền” khi nghe. Có thể chốt lại rằng, tầm nhìn sáng tác và sản xuất của Drake là một điểm sáng, trong khi giọng hát và nội dung thật sự là phiền phức. V2X dành cho album “Honestly, Nevermind” 6/10 điểm.
“CÁ NHẢY – DANCIN’ FISH” là chuỗi sự kiện âm nhạc bên bãi biển lấy cảm hứng từ tình yêu nồng nàn với biển cả, văn hoá và con người Phan Thiết, sắp tới đây sẽ giới thiệu EVENT ĐẦU TIÊN vào ngày 15-16/07 tại MŨI NÉ với sự góp mặt của dàn DJ line-up 14 người – đều là những cái tên quen thuộc với giới trẻ SG & HN.
“Mũi” là mũi đất hướng ra biển lớn, “Né” nghĩa là để né tránh, trốn thoát giông bão. Mũi Né có sự hài hòa giữa màu vàng của cát mịn và màu xanh trong trẻo của biển cả, kết hợp cùng với âm nhạc thăng hoa đa thể loại từ Disco, Techno cho đến Electro, Tech house, “CÁ NHẢY” sẽ là nơi nương náu hoàn hảo cho những ai muốn quên đi đời sống tất bật và hoà làm một với âm nhạc, biển cả và con người nơi đây. Tại sự kiện, chúng ta sẽ cùng nhau tận hưởng âm nhạc và nhảy múa cả đêm bên bãi biển, chiêm ngưỡng đất trời chuyển dạng từ hoàng hôn đến lúc bình minh và góp nhặt cho bản thân những kỉ niệm đáng nhớ cùng bạn bè mới.
Bên cạnh những trải nghiệm âm nhạc chất lượng, “CÁ NHẢY” sẽ kiêm luôn “thổ địa” và chuẩn bị cho bạn một bản đồ “kho báu” về nền ẩm thực địa phương phong phú, những bãi tắm xanh ngát dập dìu tiếng sóng vỗ và đời sống thong dong bên cạnh thiên nhiên và con người Phan Thiết.
Thông tin đặt vé:
Early Bird: 2-Day Pass | 550k hoặc 1-Day Pass | 300k
Pinky Ring hay nhẫn đeo ở ngón út bắt đầu trở nên phổ biến ở Vương Quốc Anh vào thế kỉ 18 dưới thời nữ hoàng Victoria. Theo truyền thống, những chiến nhẫn loại này thường được khắc gia huy và đeo bởi những người đàn ông Anh Quốc mang dòng dõi quý tộc. Bên cạnh đó, giới đàn ông đương thời cũng ưa chuộng “Pinky Ring” bởi thông điệp “hôn nhân chưa quan trọng” mà nó truyền tải, và phụ nữ đeo nhẫn ngón út cũng thường là những người độc lập và đầy cá tính.
Tại Mỹ, giới mafia người Ý đời đầu mang Pinky Ring như một sự thể hiện uy quyền và mối liên hệ đối với tổ chức, chi tiết dễ nhận thấy trên tay các bố già trong phim Goodfellas hay The Godfather. Hơn thế, giới nghệ sĩ cũng dành rất nhiều sự ưu ái đối với Pinky Ring, từ Elvis Presley trong quá khứ cho đến Diddy hiện tại với những bộ cánh playboy, ngón út của họ chưa bao giờ thiếu đi sự óng ánh. Phần nào đó, Pinky Ring ngày nay mang trên mình yếu tố phong cách nhiều hơn là việc khẳng định địa vị, nhưng nét tinh tế và phá cách vẫn còn đó – vẫn là điểm “ăn tiền” mỗi khi ai đó nhìn thấy chiếc nhẫn của bạn và gợi lên những câu chuyện.
Nhưng làm sao để chọn được một chiếc Pinky Ring hoàn hảo? Những loại nhẫn được dùng để đeo nơi ngón út thường mỏng hơn ở phần thân dưới và càng lên trên thì càng dày, thường hay kết hợp cùng với đá quý bản lớn hoặc được khắc hình trực tiếp lên bề mặt. Từ đó chiếc nhẫn tạo nên một cảm giác “lowkey” nhưng không kém phần tinh tế trên đôi tay người mang.
Trò chuyện cùng Young Bo5, một trong những cái tên nổi bật nhất của “SoundCloud Rap” Việt Nam.
Trong thập kỷ vừa qua, nền tảng âm nhạc trực tuyến SoundCloud chính là cái nôi sản sinh cho thế giới một thế hệ rapper hoàn toàn mới, tách biệt hẳn với thời kỳ “old school/boom-bap” kéo dài trước đó của Hip-hop. Internet cho phép người trẻ được bộc lộ trần trụi cá tính riêng mà chẳng ngại bị kiểm duyệt, từ đó nhạc Rap đã tiến hoá không ngừng để trở thành nó của ngày hôm nay: tối giản câu chữ và tối đa cảm xúc.
Nếu bạn là một Gen Z sống tại Việt Nam và dành phần lớn thời gian nghe nhạc tại SoundCloud thì ắt hẳn biết đến cái tên Young Bo5. Tính cách ngang tàng là điều đặc trưng nhất để nói về “Yung Bo”, nó được tuyên bố rõ ràng trong âm nhạc và đóng vai trò như dấu α (alpha) mà hàng trăm bạn trẻ ngoài kia tìm thấy ở nam rapper này. Bên cạnh những người ủng hộ, chính cá tính mạnh cũng mang đến cho Young Bo5 một số lượng “hater” đông đảo, đưa nam rapper trẻ đứng giữa ranh giới “yêu” và “ghét” của Rap Việt. Nhờ đó hình thành nên phong cách rap như người say không thể lẫn ở đâu khác: ma mị, đen tối nhưng tràn ngập cảm xúc của một cậu trai 2k1 (lớn lên cùng với Internet.)
Hello Young Bo5, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cũng như nhóm DLG Fortysevenyeah của bạn?
Young Bo5: Mình là Young Bo5, cũng hay được biết đến dưới cái tên Young VVS & King Peru. Mình sinh năm 2001 và đến từ 47 (Dak Lak). Còn DLG Fortysevenyeah gồm có Lil Benny, Young Blunt, Young sick0, Ozee kxng, Sunxix, wavu, kidsai, chlldish aka Young draco, K-TLE, Hwan và Bo.
Cả nhóm quen nhau qua Internet, lúc bắt đầu bọn mình chỉ làm nhạc cho nhau “hưởng” và nghĩ sau này sẽ thành một nhóm sản xuất nhạc cho những rapper khác. Còn hiện tại, định hướng của DLG là sản xuất âm nhạc chất lượng nhất và có đủ mọi thứ để làm những gì mình muốn.
DLG nghĩa là Daklakgang, có phải tất cả các thành viên đều đến từ Dak Lak?
Young Bo5: Tất cả tuy không cùng đến từ 47 nhưng mọi người đều muốn shout out cho 47. Trừ kidsai, chlldish, K-TLE thì các thành viên còn lại đều đã đến đây,
V2X cứ tưởng chlldish là anh ruột của Bo thì phải ở cùng Bo chứ?
Young Bo5: Anh ruột của mình đó, mà khác ba khác má thôi. Tụi mình xem nhau hơn chữ anh em bình thường…
Từ 2019 đến 2020, mình đã từng đi làm phục vụ để có tiền thu âm và tiếp tục chơi rap. Đó là lúc Young Bo5 gặp chlldish, anh trai mình đã tài trợ để mình ở nhà làm nhạc cho đến khi tự kiếm được tiền từ nó.
Kiểu Young Thug tài trợ cho Lil Baby phải không *hahaha*. Đâu là bài nhạc tâm đắc nhất của Bo?
Young Bo5: Đó là Track số 3 trong EP YOUNGBO5ONFIRE. Mình làm nhạc bị haters chửi hoài, bài này mình chửi lại haters nên rất tâm đắc. *hahaha*
EP YOUNGBO5ONFIRE mới giới thiệu gần đây là do anh em trong DLG muốn mình solo và thử những thể loại mới, chọc mình là “Bo emo” hoài mình cọc.
Bo có bị ảnh hưởng bởi bất kỳ rapper nào ngoài kia không? Quá trình làm nhạc của bạn thường diễn ra như thế nào?
Young Bo5: Mình chỉ nghe của Young Stoner Life và dìu dắt DLG của mình giống như YSL.
Bên cạnh đó, mình không viết nhạc theo chủ đề nào cả. Bắt đầu thì Bo sẽ dùng điện thoại để thu lại “flow” khi mình “feel” trên con beat trước. Vận dụng những cảm xúc xuất hiện ngay lúc đó để Bo mò tìm ra cái flow tâm đắc, rồi nghe đi nghe lại. Từ đó, mình ghi nhớ lại và viết thành lời.
Để làm được như vậy thì Bo phải rất tự tin vào “delivery” của mình. Trừ khi bị đem vào khuôn khổ, hay nói cách khác là không được tự lựa beat mà người khác chọn giúp, thì lúc đó mình mới gặp vấn đề trong việc tái hiện những cảm xúc để làm nhạc.
Âm nhạc của Bo quan trọng điều gì hơn: cảm xúc, thông điệp hay một thứ nào đó khác? Và Bo nghĩ rằng những người nghe nhạc của bạn là những bạn trẻ như thế nào?
Young Bo5: Cảm xúc là phần quan trọng nhất trong âm nhạc của mình – cảm xúc của mình lúc viết nhạc và cảm xúc của người nghe lúc tận hưởng bài nhạc đó. Và mình nghĩ người nghe nhạc của Young Bo5 là những con người có rất nhiều cảm xúc, họ sẵn sàng đặt bản thân họ vào vị trí của Bo khi thưởng thức bài nhạc.
Trong âm nhạc, V2X cảm nhận Bo có một sự ngang tàng, ngông nghênh khá hiếm thấy. Bo đã trở nên tự tin như vậy từ khi nào, hay nó xuất phát từ bất kỳ triết lý sống, cách nghĩ nào đó của bạn?
Young Bo5: Mình nghĩ sự tự tin này xuất phát từ việc bản thân thường xuyên bị công kích. Để cho những người ghét mình phải tức, Young Bo5 dần dần tiến hoá thành ra như vậy.
Những lời công kích đã khiến mình tự tin hơn chứ không tự ti V2X ạ.
Cộng đồng LGBTQ+ đã có một đêm ngất ngây tại sự kiện Ball Competition đêm ngày 18.06.
Nhằm hưởng ứng “Tháng Tự Hào” và tôn vinh các khía cạnh văn hoá nghệ thuật trong cộng đồng LGBTQ+, V2X Magazine đã bắt tay cùng VAPCUCDA – một tập thể sáng tạo đa ngành chuyên thực hiện các sự kiện âm nhạc và nghệ thuật tập trung vào cộng đồng LGBTQ+ và giới trẻ Việt Nam, để giới thiệu sự kiện “Ball Competition”. Các hạng mục thi đấu trong chương trình gồm Baby Vogue Battle, Best Drag, Runway xen kẽ với các DJ set đến từ dàn DJ line-up LGBTQ+ có một không hai.
Với hơn 600 người tham dự, sự kiện “Ball Competition” đã diễn ra náo nhiệt trong sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng LGBTQ+. Suốt các phần thi Baby Vogue Battle, Best Drag, Runway, thí sinh tham gia đã xuất hiện trong những bộ cánh lộng lẫy nhất và chiêu đãi người xem bằng những tiết mục quyến rũ, táo bạo, hoang dại mà khó ai có thể tưởng tượng nổi. Phía dưới sân khấu là sàn nhảy được lấp kín bởi những người có mặt tại sự kiện, âm nhạc siêu hạng kết hợp cùng ánh sáng huyền ảo đã dìu dắt những bước nhảy trở nên thanh thoát và “tự nhiên” hơn bao giờ hết. Cao trào đến khi khúc hát “Bê đê thì sao, cũng là con người” vang lên từ DJ booth của Tizone, khiến cả ballroom nổ tung trong tiếng reo hò và tiếng hát đồng thanh của những “linh hồn” chung tần số.
Trong đám đông, V2X bắt gặp được những gương mặt quen thuộc như rapper Suboi, siêu mẫu Minh Tú, Gãy Collective cũng có mặt tại sự kiện và hoà trong không khí lễ hội của cộng đồng LGBTQ+ . Trò chuyện cùng một raver lâu năm tại Sài Gòn, anh chia sẻ:
“Lâu lắm rồi mới có một trải nghiệm điên cuồng đến như vậy!”
Âm nhạc underground tại Hà Nội đang chứng kiến một sự chuyển biến rõ rệt, không chỉ về tư duy âm nhạc. Sự chuyển biến này mang nhiều màu sắc của sự nhận thức, phong cách cũng như tầm nhìn và bản sắc của từng nhạc sĩ.
Lần trước, V2X đã có một buổi phỏng vấn với Mona Evie Collective cho đợt phát hành album đầu tay “Chó Ngồi Đáy Giếng” của nhóm. Thông qua Long Trần của Mona, V2X đã được gặp Nam Thiên và Hoàng, lần lượt là bassist và guitarist của Mối – một nhóm nhạc indie rock của Hà Nội trong một buổi hẹn. Ấn tượng đầu tiên đó là sự đối lập hoàn hảo giữa hai người, Nam Thiên là sự bùng nổ, điên loạn khi Hoàng phảng phất sự ưu buồn, trầm tư. Sự đối lập này đã tạo nên một màu sắc, cũng như con mắt của mọi người trong căn phòng ngày hôm đó.
Điều đặc biệt có lẽ là việc Nam Thiên và Hoàng đều mới chỉ 18 tuổi.
Xin chào ban nhạc Mối, Nam Thiên và Hoàng. Cảm ơn hai bạn đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Hai bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân được không?
Hoàng: Bọn mình là Mối, một ban nhạc hoạt động tại Hà Nội. Mối bao gồm mình đánh guitar kèm với hát và Nam Thiên chơi bass (vẫn đang tìm người chơi trống). Mình là Hoàng, sinh năm 2003. Mình đến từ Hạ Long và hiện đang học tập và sinh sống tại Hà Nội. Còn Nam Thiên, bassist hay thứ 2 của mối, sinh năm 2004 quê quán ở Sài Gòn.
Trước khi vào phỏng vấn chính, tại sao hai bạn chọn Tenderbar – một nơi vắng vẻ và yên tĩnh để trả lời phỏng vấn?
Hoàng: Tender bar là quán quen của mình và bạn bè trên Hà Nội, không gian của quán là thứ rất hiếm trên đất Thủ đô này nên chúng mình cũng hay qua. Ngoài ra, ở đây còn có khá nhiều nhạc sĩ thuộc scene cũng hay qua lại ở đây nữa.
Cơ duyên nào khiến Thiên và Hoàng gặp nhau, hai cá tính gần như là đối lập tìm được sự hoà hợp?
Thiên: Mình và Hoàng biết nhau qua Facebook, rồi bắt đầu bằng những câu hỏi bằng nhạc cụ. Một thời gian sau thì Hoàng có mời mình tham gia dự án show của Mối tại HUB (Long Biên). Bản thân mình vốn theo dòng nhạc Punk, nên cũng muốn thử sức mình với nhiều thể loại khác. Từ đó, mình xin vào band Mối, để thử sức mình cũng như để khám phá bản thân. Dù nhìn thì có vẻ không tương hợp nhưng khi Jam cùng nhau hay tập nhạc thì vẫn có những sự ăn ý nhất định trong từng bài hát.
Dù có nhiều dự án, show khác ngoài Mối nhưng theo cảm nhận cá nhân, Mối là nơi mình được bùng nổ không giới hạn.
Nam Thiên là bassist, Hoàng là guitarist, cả hai có một sự đối lập rõ ràng có thể nhìn bằng mắt thường. Nhưng tại sao lại là Mối, cái tên này đến từ đâu?
Hoàng: Cái tên “Mối” có thể coi như là di sản từ khoảng thời gian mà mình còn chơi nhạc dưới Hạ Long với hai thành viên cũ Việt Tùng và Hoàng Duy. Hồi đó phòng tập của bọn mình dưới tầng hầm của Tùng vì nồm nên có rất nhiều mối, đến độ đang tập phải cởi áo ra đập. Giờ với line up mới toanh, cái tên Mối vẫn sẽ là cách mình tribute cho những kí ức tươi đẹp ở Hạ Long.
Thiên: Quý ngài văn hay chữ tốt
Sự hoà hợp là thế mạnh của Mối. Nhưng liệu những dự án ngoài có ảnh hưởng đến định hướng, suy nghĩ và phong cách của hai người khi là một ban nhạc không?
Thiên: Về phần em thì cũng có những dự án Punk, Tour diễn VNam nhưng mà khi ở Mối thì em mới cảm giác được chơi với những người hòa hợp về tính cách lẫn tư duy âm nhạc. Nên lựa chọn hàng đầu của em sẽ là Mối. Hoàng là người có tư duy âm nhạc tốt , cũng có thể bù đắp được phần nào cho em vì em là người tự học nhạc theo cách chắp vá.
EP “Chờ” là sự khởi đầu cho những gì tuyệt nhất cho mối. Nhưng album này mang nhiều màu sắc alternative rock/ indie rock. Liệu người nghe nhạc Mối có thể “chờ” gì trong những nhạc phẩm sắp tới của band?
Hoàng: “Chờ” là một dự án mang tính khá DIY của Mối. Budget sản xuất cho EP thực chất là… 0d nhưng ngược lại đã nhận được sự hưởng ứng rất tốt từ người nghe và có thể coi như là một debut EP thành công. Mình đã chạy khắp Hạ Long tìm những studio thân thiết để thu âm “nhờ” với sự giúp đỡ của Duy và Tùng. Quy trình mix và master mình phải cảm ơn rất nhiều tới Mona Evie Collective đã trợ giúp hết lòng. Cái may mắn của mình là đã quen được rất nhiều nghệ sĩ trẻ tiềm năng trong scene, bọn mình giúp đỡ lẫn nhau trong tầm năng lực để tạo ra một môi trường âm nhạc rất gần gũi cũng như đa dạng. EP “chờ” được sinh ra cũng một phần là nhờ sự tương hỗ này và mình cảm thấy rất cảm kích. Điều các thính giả của Mối có thể mong đợi trong tương lai là những sản phẩm được đầu tư mạnh hơn, chất lượng sản phẩm được cải tiến cũng như chỉn chu hơn, cùng với đó Mối mong muốn sẽ được sản xuất MV hay các loại merchandise như đĩa CD, áo, pin, sticker,… etc. Chúng mình cũng đang ấp ủ dự định là một album phòng thu nữa. Mọi người cùng đón chờ nhé!
Liệu với những người chưa biết Mối và cả những người sẽ nghe, có cơ hội nào cho một album với thể loại nhạc khác của band trong tương lai không?
Bọn em mong sẽ được thử nghiệm với nhiều genre khác nhau trong album tiếp theo của Mối, punk cũng không có phần ngoại lệ. Không những punk mà còn rất nhiều thể loại khác bọn em muốn được trải nghiệm thêm. Hiện tại ở Hà Nội vẫn chưa thấy có một Punk Band nào nên mình nghĩ Mối cũng có thể thử sức. Stay tuned
Dữ dội, mỉa mai, nhạo báng và bất cần, post-punk có thể đã đập vỡ hoặc tô điểm thêm cho cốt lõi của sự nổi loạn của nhạc punk thập niên 1970.
Post-punk là một thể loại nhạc ra đời vào cuối những năm 1970. Chính cái tên của thể loại này đã gợi ý cho chúng ta về sự hình thành của nó ngay sau khi nhạc punk lắng xuống, phần lớn do cái chết của Sid Vicious và sự tan rã của Sex Pistols. Post-punk là một loại nhạc mang tính thể nghiệm, avant-garde dựa trên những yếu tố đã có của thể loại tiền nhiệm Punk trước đó. Nó có thể chậm hơn, với những ngôn từ mang đậm màu sắc, triết lí, đa cảm xúc hơn so với nhạc punk nhanh và dữ dội. Cùng với đó là vô số sự ảnh hưởng của những văn hoá và thể loại đi kèm sự phát triển, gồm có Goth, hoặc Shoesgaze, Synthwave, Nowave, Dark wave, và nhiều hơn thế nữa
Public Image Ltd, thành lập ngay sau sự tan rã của Sex Pistols bởi cựu hát chính của Sex Pistols – John Lydon (Johnny Rotten), thường được xem như là người đầu tiền bắt đầu phong trào post-punk, mặc dù những nghệ sĩ của post-punk New York như Television đã chơi những thể loại punk mang tính đột phá hơn từ trước đó, mà sau này chúng ta gọi những thể loại đó là post-punk. Dần dần, đến những band nhạc khác (đa số từ Anh Quốc), bao gồm Joy Division, Talking Heads, Gang of Four, và Wire, ngoài ra còn có Siouxie and the Banshees, Suicide, Magazine,…những band nhạc này đã định hình được thể loại nhạc này vào cuối những năm 1970’s, tạo tiền đề cho sự phát triển của nó với nghệ thuật underground vào những năm 1980’s.
Suicide và Album cùng tên năm 1977. “Even The Punk Hate Suicide” (Đến Punk còn ghét Suicide) là một câu nói rất nổi tiếng thời đó, khi các gig của Suicide thường được tô điểm bằng bạo lực và Suicide cũng không phải tay mơ khi họ đẩy sự hỗn loạn lên cao trào bằng cách đóng hết tất cả các lối ra trong show diễn của họ.
The Buzzcocks trước đó đã là một band nhạc punk có tư duy mới mẻ khi trưởng nhóm Howard Devoto rời nhóm để thành lập Magazine, một band nhạc mà Devoto có thể tránh đi sự thẳng thắn của punk và hướng đến những âm nhanh mang tính thử nghiệm cũng như màu sắc mới. Trong ảnh: Real Life, album của Magazine (1978)
Album thứ hai cũng là cuối cùng của Joy Division vào năm 1980. Joy Division được biết đến với sự u ám, đặc biệt có phần hơi loạn thần trên sân khấu, đặc biệt với trưởng nhóm Ian Curtis, anh cũng mắc chứng hoang tưởng và trầm cảm rất nặng và điều này vô hình tạo nên một hình ảnh cố hữu của Joy Division.
Post-punk và sự trỗi dậy của nó trong âm nhạc không chính thống (underground) đã tạo nên vô vàn những chuyển biến văn hoá. Sự u ám phảng phất và tính nghệ thuật cao đã tạo nên những subgenre mới gồm Glam Rock và Gothic Rock, những thể loại được các nhóm nhạc như The Cure hay The Sisters Of Mercy đẩy lên một tầm cao mới, chúng được xuất hiện trên các bảng xếp hạng âm nhạc và tạo được tiếng vang của thời đại này, các nhóm nhạc này cũng phổ biến văn hoá Goth và đẩy mạnh sự thâm nhập của nó vào đại chúng. Về sau, sự nhấn âm tiết lệch chuẩn cũng như âm bass nổi bật của post-punk được phát triển, tạo nên Dance-Punk, một loại nhạc còn được lên tầm mainstream vào giữa những năm 2000 với LCD Soundsystem, Yeah Yeah Yeahs, Soulwax. Coldwave, phổ biến tại Châu Âu và đặc biệt là Pháp lại mang một màu sắc lạnh hơn, sự ảnh hưởng này đến từ avant garde cũng như các yếu tố khoa học viễn tưởng. No Wave, một phong trào bắt nguồn từ New York lấy cảm hứng từ post-punk và punk rock nhưng tập trung vào sự thể nghiệm âm nhạc, và dường như không theo một đường lối nhất định nào. Đến cuối năm 1980, phong trào post-punk ở underground chứng kiến một sự thoái trào, nhường chỗ cho new wave, gothic rock, Alternative Rock và Alternative Dance, nhưng có một đặc điểm chung của những phong trào và thể loại nhạc mới này – chúng đều bị ảnh hưởng mạnh bởi post punk.
Ban đầu có tên là Easy Cure, cái tên đến từ việc cắt các phần trong một bài hát họ viết, cho vào một chiếc mũ và chọn ngẫu nhiên. Thực chất, đây là cái tên band nhạc mà không ai cũng đồng tình và dẫn đến một số rắc rối để đến năm 1977, khi hãng đĩa Hansa cho nhóm quyền quyết định, Easy Cure đã đổi tên thành The Cure.
Yeah Yeah Yeahs, một làn sóng mới của những năm 2000. Từ trái qua phải: Brian Chase, Karen O, Nick Zinner.
Sau một thập kỉ nhường chỗ cho Alternative Rock với đỉnh cao là grunge của thập niên 1990, trào lưu “Phục Hưng Post-Punk” xuất hiện vào đầu những năm 2000, đặc biệt tại New York với hai nhân tố nổi bật là The Strokes và Interpol, phong trào này chắc chắn có ảnh hưởng của những tiền tố trong những năm 1980’s, nhưng gắn với đó là các yếu tố indie rock và cấu trúc bài hát khá tương tự với nhạc pop. Cách tiếp cận mới mẻ này đã cho nó được phủ sóng với phạm vi thế giới, cùng với đó là những band nhạc mới ngoài phạm vi New York như Franz Ferdinard và Bloc Party (Anh). Sự thành công này không có dấu hiệu dừng lại khi có vô số ban nhạc đạt được thành công đại chúng và được tôn sùng, đơn cử như lần NME mô tả phong trào này là “new rock revival” (Nhạc Rock tái sinh), nhưng như một lẽ đương nhiên, phong trào này nhanh chóng phải nhường chỗ cho indie rock vào giữa những năm 2000 và các hình thái mới của thể loại gốc lại được xuất hiện ở nơi nó từng được tôn sùng – underground scene với các nhóm nhạc như Preoccupations (Canada) và Promartyr, cùng với đó không chỉ là post-punk, các yếu tố của nhạc punk truyền thống cũng đã dần trở lại trong âm hưởng của các ban nhạc punk underground từ sau 2010.
Đại gia đình người Việt tại Hungary qua đôi mắt của nữ nghệ sĩ electronic pop Hien.
Tiếp nối thành công của Hien với EP “BLOOM” ra mắt vào năm 2021 kể về hành trình định hình bản sắc cá nhân và khám phá cuộc sống của một người nhập cư thế hệ millennial, nữ nghệ sĩ electronic pop gốc Việt tiếp tục giới thiệu Music Video “Family”.
MV “Family” mang đến góc nhìn gần gũi về cộng đồng người Hungary gốc Việt và những di sản của họ, đồng thời mở rộng khái niệm “gia đình” vượt ra khỏi cách hiểu truyền thống của nhiều người. Trong MV, ta thấy được một Việt Nam thu nhỏ trong căn nhà của những người nhập cư Hungary gốc Việt: hình ảnh những người mẹ quây quần trong căn bếp, thịt kho, cá chiên trên mâm cơm và cảm giác ấm cúng mỗi khi gia đình sum vầy.
“Những cảnh quay trong MV được lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của tôi suốt những năm 90 ở Budapest.” – Hien chia sẻ.
“Những buổi gặp mặt đã đưa gia đình cũng là cộng đồng của tôi ngồi lại với nhau thường xuyên. Đại gia đình đó không chỉ được tạo nên từ những người có quan hệ huyết thống với nhau, mà gồm cả bạn bè của ba mẹ chúng tôi và gia đình của họ, tất cả đã cùng nhau di cư từ Việt Nam đến Hungary mang theo hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp.
Tôi nghĩ trong số tất cả những câu chuyện về các cộng đồng nhập cư, cuộc di cư lịch sử của người Việt Nam đến Hungary sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1980 vẫn chưa thực sự được đề cập đầy đủ. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì có thể chia sẻ một phần nhỏ câu chuyện về những người nhập cư Hungary gốc Việt từ góc nhìn riêng của mình.”
Hien (tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Hiền) là một ca sĩ/nhạc sĩ/nhà sản xuất gốc Việt hiện đang sinh sống tại Brooklyn, từng theo học tại trường nhạc danh tiếng Berklee và tốt nghiệp ngành Electronic Production and Sound Design. Hien bắt đầu sự nghiệp âm nhạc ở tuổi 15, cô đã phát hành hai album nhạc pop và biểu diễn tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ. Trong âm nhạc của Hien, ta cảm nhận được nhiều màu sắc khác nhau với những ảnh hưởng đến từ electronica, soul cho đến Á Đông truyền thống. ‘Woman of the Year’ của Glamour và Viva Comet là những giải thưởng mà Hien đã đạt được trên hành trình âm nhạc của mình.