Categories
Art

TRIỂN LÃM URBAN LAYERS: BẢO QUẢN VẺ ĐẸP TRONG MỘT KHOẢNH KHẮC KHÔNG VĨNH HẰNG – WABI SABI X WALLOVERS

Khi nghệ thuật đường phố trở thành không gian ảo

Dự án nghệ thuật đường phố theo mô hình pop-up là dự án đầu tiên của Wabi-sabi Creative mang tên “Urban Layers” sẽ đại diện các tác phẩm đến từ nhóm nghệ sĩ Graffiti Wallovers và nhiếp ảnh gia đường phố Vy Lam. Triển lãm là công cụ thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật đô thị (Urban art) bằng cách thêm vào những màu sắc, âm thanh sống động cùng các đặc trưng văn hóa để biến đổi phố thị Việt Nam qua góc nhìn rất cá nhân của từng nghệ sĩ. Mục tiêu của các nghệ sĩ là đem những thực hành về nghệ thuật đường phố tiếp cận rộng rãi hơn với đại chúng, sau cùng để lại thông điệp về niềm vui như một liều thuốc tinh thần trong giai đoạn khó khăn này.

Dựa trên mô hình triển lãm pop-up, Thực tế ảo tăng cường (AR) sẽ được kết hợp sử dụng trong không gian vật lý, được tương tác bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Điều này cho phép người tham dự xem các tác phẩm không chỉ giới hạn ở bề mặt truyền thống mà còn được trải nghiệm một môi trường mới bằng tương tác và âm thanh. Tuy nhiên, việc biến triển lãm vật lý thành một “phòng xem trực tuyến” đặt ra những thách thức mới khi cần đến các phương pháp khác mô phỏng lại trải nghiệm thực tế ảo tại chính phòng triển lãm, nhằm duy trì kết nối với khán giả tương tự như xem các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp.

Những người đằng sau 𝐖𝐚𝐛𝐢-𝐒𝐚𝐛𝐢 Creative:
Hướng đi chính của Wabi-Sabi vẫn nghiêng về quản lí và hỗ trợ nguồn lực, tức là tìm ra những người phù hợp cho các dự án; từ nghệ sĩ 3D, nghệ sĩ đồ họa, biên tập phim, nhiếp ảnh gia, đến nhà sản xuất âm nhạc và các cây viết – những nguồn lực sáng tạo trẻ tại Việt Nam cần được thúc đẩy. Mục tiêu lớn hơn là nuôi dưỡng đồng thời phát triển, kết nối họ với các dự án nghệ thuật mới. Tất cả những điều này hướng đến việc mở rộng tiềm năng ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng như các không gian văn hóa sáng tạo.

Kim Huỳnh đưa ra ý kiến: “Sẽ không lâu nữa, ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc tăng trưởng kinh tế cũng như những phát triển bền vững về xã hội và văn hóa. “Để thu hút đúng đối tượng, các thương hiệu phải phát triển để đáp ứng với chuyển đổi kỹ thuật số.” Trọng tâm của cô là tiếp tục phát triển các câu chuyện bằng hình ảnh cùng những nội dung kỹ thuật số khác – khám phá các phương pháp kể chuyện mới để nắm bắt sự ảnh hưởng của nghệ sĩ và đẩy mạnh tiềm năng của họ.

Hơn nữa, Trâm Bùi sẽ tiếp tục chọn việc phát triển cùng các nghệ sĩ Việt Nam, đưa tiếng nói của nghệ sĩ trẻ đến môi trường quốc tế thông qua việc tìm kiếm các cơ hội tiếp cận khoản tài trợ từ chính phủ và các thương hiệu. Là một nghệ sĩ thị giác, cô hiểu việc nhiều nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam vẫn thiếu đi những cơ hội tiếp cận nhiều phương diện của nghệ thuật. Do đó, cô có niềm tin mạnh mẽ vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp này và mong muốn trở thành một giám tuyển không gian đương đại trong tương lai.

Wabi-Sabi private Graffiti Workshop. Photo by Thao

Mục tiêu tương lai của Wabi – Sabi:

Tầm nhìn tổng thể của Wabi-Sabi hướng đến kết nối các nhóm khán giả mới phản ánh thế hệ hiện tại – nơi nghệ thuật đồng hành cùng công nghệ. Sau khi đại dịch được kiểm soát, Wabi-sabi Creative sẽ có kế hoạch tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật pop-up hơn với sự hỗ trợ từ local brand như Bitis Hunter và Hades. Trâm Bùi cũng đưa ra ý kiến rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hướng đến New media Art chứ không chỉ giới hạn ở các chất liệu truyền thống – việc trưng bày phiên bản số hóa của các tác phẩm từ nghệ sĩ là tiêu chuẩn mới sau đại dịch”.

Rõ ràng COVID đã trở thành chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở tất cả các ngành công nghiệp lớn nhỏ và chúng ta cần phải học cách thích nghi. Khi công nghệ trở thành cầu nối giữa thế hệ Z và thế hệ Millennial, việc đầu tư và tiêu dùng sẽ trở nên nhiều hơn đối với các hoạt động và chương trình nghệ thuật. Các nền tảng do Wabi-Sabi tạo ra chắc chắn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sáng tạo tương lai để mọi người cùng phát triển và tận hưởng từ khởi đầu này.

𝐒𝐓𝐎𝐑𝐘: 𝐏𝐑𝐄𝐒𝐄𝐑𝐕𝐈𝐍𝐆 𝐁𝐄𝐀𝐔𝐓𝐘 𝐈𝐍 𝐀 𝐌𝐎𝐌𝐄𝐍𝐓 𝐓𝐇𝐀𝐓 𝐂𝐀𝐍’𝐓 𝐋𝐀𝐒𝐓

Không có gì tồn tại hay hoàn thiện mãi mãi và không có gì là hoàn hảo…

Cuộc sống đáng trân trọng bởi nó có kết thúc, điều này liên hệ trực tiếp đến tính thẩm mỹ về sự nhất thời – một trong những đặc trưng của nghệ thuật đường phố: các tác phẩm sẽ “chết đi” theo thời gian bởi các tác động tự nhiên. Bản chất của nghệ thuật đường phố là được tạo ra để tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, cho phép chúng ta đánh giá vẻ đẹp các tác phẩm bằng cách chấp nhận chu kỳ trong tự nhiên cũng như suy tàn – đây đồng thời cũng là triết lý cốt lõi đằng sau Wabi-Sabi. Ý tưởng về triển lãm nghệ thuật pop-up mang lại trải nghiệm liên tục và hiệu quả khác nhau so với các điểm đến truyền thống cố định. Điều này sẽ tạo ra những cộng đồng mới kết nối với người nghệ sĩ; đồng thời kể những câu chuyện khác nhau với những mục tiêu khác nhau (thay đổi địa điểm cùng tệp người tham dự). Wabi-sabi cũng thay đổi cách giám tuyển truyền thống sang việc hỗ trợ nghệ sĩ có thể chọn ra branding của chính mình.

(Tác phẩm của Wallovers trên đường Nguyễn Duy, Bình Thạnh). Photo by Khang Nguyễn

Trải qua một năm khi tất cả chúng ta đều phải ở nhà vì đại dịch COVID, những người sáng lập Wabi-Sabi Creative – Kim Huỳnh và Trâm Bùi – đã quyết định tập trung vào nghệ thuật đường phố cũng như sự phát triển của Hip-hop Việt Nam khi nhìn thấy tiềm năng tương lai của những thực hành này. Vì thời điểm khó kiểm soát của bệnh dịch, Wabi-sabi Creative đã không thể bắt đầu dự án đầu tiên bằng những cảm nhận thị giác trực tiếp như dự định ban đầu mà đã quyết định thay thế phòng trưng bày vật lý bằng việc chuyển đổi thành tham quan studio và triển lãm ảo. Dù COVID đã đem đến những hạn chế nghiêm trọng trong tính chất của triển lãm và tương tác của người tham dự theo cách thông thường nhưng đồng thời đây cũng là một khởi đầu mới cho Wabi-sabi Creative khi chuyển không gian triển lãm sang những khám phá ảo.

(Tác phẩm của Cresk – Wallovers trên đường Nguyễn Duy, Bình Thạnh)

𝐔𝐑𝐁𝐀𝐍 𝐋𝐀𝐘𝐄𝐑𝐒 𝐄𝐗𝐇𝐈𝐁𝐈𝐓𝐈𝐎𝐍 𝐀𝐑𝐓𝐈𝐒𝐓 𝐁𝐈𝐎:

𝐳𝐤𝐡𝐨𝐚 – Wallovers

zkhoa sinh năm 1995, là một nghệ sĩ trẻ đang sinh sống tại Sài Gòn. Hầu hết các thực hành của anh xoay quanh nghệ thuật đường phố, đặc biệt là Graffiti. Bên cạnh phát triển những dự án cá nhân, zkhoa còn là thành viên sáng lập nhóm Wallovers, một tập hợp những người trẻ cùng chung định hướng, mong muốn mang nghệ thuật đường phố rộng rãi đến đại chúng trong tương lai gần.Là người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên tại quận 8, Sài Gòn; zkhoa đã nhìn thấy những khía cạnh văn hóa đặc trưng trong khu vực anh cư trú từ rất sớm. Tuy nhiên, không áp đặt góc nhìn tiêu cực, zkhoa chỉ phản ánh và sử dụng những điều này làm trung gian cho các cảm hứng nghệ thuật.

Mối quan tâm của zkhoa xoay quanh những diễn giải nội tâm và cuộc sống thường nhật. Các tác phẩm của anh xuất phát từ tư liệu đời thường, được đưa về các mảng hình và mảnh nhỏ rồi thay thế, biến đổi nó trở thành những phom dạng mới. Không dừng lại ở bề mặt truyền thống, anh giữ một sự yêu thích nhất định với Digital art và sử dụng chất liệu này như một công cụ khác để bày tỏ góc nhìn cá nhân. Hầu hết các tác phẩm của zkhoa mang một đặc trưng chung về thị giác: chuyển hoá – phân mảnh – tái cấu tạo. Anh yêu thích bóc tách những khối vật thể, đưa nó về một cấu trúc mới và được anh gọi là mảng hình trung gian. Có hai loại mảng trung gian chính trong các tác phẩm của zkhoa: “hình vô cơ” và “hình hữu cơ”. Theo anh, những mảng hình trung gian này là cầu nối giữa cái “hiện diện chân thực” và “hiện diện ảo”, đi từ những sự thật có thể nhìn thấy, cảm nhận cho đến sự thật không thể nhìn thấy hay cảm nhận – “những mảng hình này là nguyên liệu quan trọng để tôi tái tạo lại thế giới của riêng mình. Tính chất cầu nối của nó có vai trò như số phức trong toán học”, trích lời zkhoa.

zkhoa tin rằng việc sao chép tự nhiên không phải là công việc “tối thượng” của nghệ thuật mà góc nhìn của người nghệ sĩ mới là câu chuyện cần được để tâm. Đối với anh, một tác phẩm tốt cần có tính “đồng sáng tạo”; nó không kết thúc ngay sau khi người nghệ sĩ hoàn thành mà luôn biến đổi, âm ỉ, chết đi hoặc hồi sinh theo từng góc nhìn của mỗi người xem. Các tác phẩm trong không gian triển lãm “Urban Layers” được phân tầng, tạo ra sự tương phản các khung nhìn văn hóa đậm tính cá nhân của từng nghệ sĩ.

Đối với zkhoa trong triển lãm lần này, anh nhìn thấy những khía cạnh chân thực nhất của “rat race” (cuộc đua chuột), một sự truy đuổi không hồi kết của vật chất và mưu sinh để tồn tại. Anh kể về sự hối hả, hy vọng vào con số trước 4 giờ chiều. Một cuộc chạy đua khỏi “đáy xã hội” và những hiện thực có xu hướng bị chối bỏ: vấn đề vay nặng lãi, cờ bạc, rượu chè… Tuy nhiên, zkhoa đã tổng hòa những khía cạnh tiêu cực, chuyển hóa nó thành cuộc phiêu lưu đầy màu sắc và một phần nguyên liệu của cái đẹp. Các nhân vật đại diện không chỉ xuất hiện và kể câu chuyện đường phố mà còn là nơi “nương náu” cho mỗi giai đoạn phát triển của zkhoa – chồng chéo, nhiều hỗn loạn.

CRESK CRESK

Cresk (Nguyễn Tấn Lực) sinh năm 1997, là một nghệ sĩ trẻ đang thực hành nghệ thuật tự do và là đồng sáng lập của nhóm nghệ sĩ Wallovers. Từng theo học chuyên ngành về Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Văn Lang, Cresk vẫn chọn theo đuổi Graffiti và đưa nó trở thành thực hành chính của mình.

Nguồn cảm hứng của Cresk thường đi từ những điều dung dị nhất. Anh chắt lọc những sự thật luôn hiển lộ từ đời sống văn hóa và đưa nó vào các tác phẩm. Cách làm nghệ thuật của Cresk khá tỉ mẩn. Anh bóc tách những nguồn năng lượng tích cực qua những con người, sự việc, sự vật đã quan sát; sau đó xem xét, cuối cùng mới phản chiếu những điều đó vào thực hành mình.Nằm cốt lõi trong những mối quan tâm của Cresk là hình tượng của người phụ nữ. Thông qua hình tượng này, anh chất vấn những ý niệm về tính nữ, tìm cách tái tạo lại những trải nghiệm cảm xúc đời thường của họ trong góc nhìn của mình.

Người phụ nữ xuất hiện trong thế giới của Cresk không ủy mị mà trở thành trung tâm, không khuất dạng mà được tôn vinh bởi những “quyền năng” họ đang nắm giữ. Trong triển lãm “Urban Layers”, các tác phẩm của Cresk lần nữa gợi lại góc nhìn và sự ngưỡng mộ của mình đối với người phụ nữ Việt. Hình tượng Á đông quen thuộc từ chiếc nón lá đến tà áo dài giờ đây được Cresk tái hiện ở hình thức mới; qua lăng kính của nghệ thuật đường phố lồng ghép những yếu tố tôn giáo. Trong mường tượng của mình, người phụ nữ của anh nổi bật và thoát khỏi những ý niệm, định kiến cũ. Người phụ nữ đã xuất hiện hoàn toàn tự chủ, không phụ thuộc và có quyết định đối với chính mình. Cô ta mang năng lượng của sự thay đổi, đồng thời được cấy ghép những niềm tin “tâm linh” khi có khả năng thực hiện những điều không thể. Cresk thực hành những chất liệu khác nhau cho lần triển lãm này, bao gồm tác phẩm thị giác và sculpture.

Các tác phẩm thị giác có xu hướng kể đến những trải nghiệm đắm chìm trong cảm xúc của người phụ nữ, mời gọi người xem di chuyển và nhìn vào tâm trí của họ. Đối với các tác phẩm sculpture, ý niệm người nữ xuất hiện táo bạo hơn khi mở rộng cuộc hội thoại về chính họ và hình hài văn hóa mới.

Thông tin chi tiết của triển lãm sẽ được cập nhật trên V2X, các bạn hãy đón xem nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *