Có bao giờ bạn thắc mắc, khi bộ môn vẽ tranh tường graffiti lắng xuống, thì các nghệ sĩ graffiti giờ đang ở đâu và làm gì? Để trả lời cho câu hỏi đó, V2X đã tìm đến triển lãm ‘ diversed, the exhibition ‘ – ‘ triển lãm sự đa dạng ‘ để gặp Curser, Daga và Goney – những nghệ sĩ graffiti đã bước qua giới hạn của bình sơn, bức tường để tìm thấy những chất liệu mới hơn trên hành trình theo đuổi nghệ thuật thị giác (visual arts) của họ.
Curser tên thật là Hưng Lê, bước ra từ graffiti trong khoảng thời gian 2016-2017 khi trào lưu vẽ tường lắng xuống “ và anh em chơi môn này ít xuống đường đi bomb hơn, do nhiều lí do khác nhau, nhưng chủ yếu là vì nó không chính thống và gây ảnh hưởng xấu đến người chơi graffiti cũng như người bị các bạn vẽ lên tường nhà” – Curser chia sẻ. Những tác phẩm của Hưng đưa đến người xem dưới cái tên Curser thường là những tác phẩm/ hoặc công việc anh được toàn quyền sáng tạo và quyết định gần như không có sự can thiệp từ người khác.
Daga hay “dagà” là nghệ danh của Minh Duy, người luôn khát khao đi tìm những trải nghiệm bằng nhiều “phương tiện” nhất có thể, điều này cũng được phản ánh qua sự đa dạng trong chất liệu tìm thấy ở các tác phẩm của anh. Daga hiện tại là một full-time motion designer, bên cạnh đó với nghệ thuật, anh khai thác sâu vào nội tâm để thể hiện cảm xúc cá nhân lên các tác phẩm của mình.
Và Goney, tên thật là Dân, sinh viên năm 3 ngành thiết kế đồ họa đang theo đuổi Psychedelic Art. Khi sáng tạo, Goney thường bắt đầu bằng một thắc mắc riêng của bản thân, từ đó giải quyết câu hỏi đó để đưa ra ý tưởng và hiện thực hóa nó. Bằng cách này, Goney đã tạo ra rất nhiều tác phẩm ấn tượng ẩn chứa những thông điệp sâu sắc sinh ra từ chính những suy tư của bạn.
Hello Curser, Daga và Goney, các bạn có thể giới thiệu đôi chút về chủ đề của triển lãm “diversed, the exhibition” lần này được không?
Curser: Tên của triển lãm là ‘ diversed, the exhibition ‘ – ‘ triển lãm sự đa dạng ‘ nói lên sự kết hợp trên và xu hướng hiện thực hóa streetart trở thành 1 loại hình trưng bày chính thống hơn, kết hợp được với các sản phẩm nội thất, trở thành sản phẩm trưng bày và gần gũi hơn đối với người xem.
Qua buổi triển lãm này bọn mình cũng muốn người xem có một trải nghiệm về sự cảm nhận thuần túy qua đôi bàn tay trần về các tác phẩm của bọn mình, thứ có vẻ xa xỉ đối vời thời đại số như hiện tại. Các bạn có thể đã thấy những tác phẩm trong buổi triển lãm lần này đâu đó trên mạng xã hội dưới hình thức ảnh hoặc video nhưng sự sờ, nắm, cảm nhận là điều bạn sẽ không bao giờ có được nếu chỉ xem qua mạng xã hội.
Daga: Triển lãm này cũng giới thiệu bộ sưu tập của mình có tên là “Duality – Revisit” và nó kể về những cột mốc sự kiện định hình con người mình. BST có chủ đề xuyên suốt là nhị nguyên. Hai khái niệm trái lập nhưng đồng thời định nghĩa nhau. Chúng không thể tồn tại nếu thiếu nửa đối lập của mình.
Trong các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm lần này, Curser, Daga và Goney mỗi người cảm thấy tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất?
Daga: Tác phẩm mình hài lòng nhất về mặt kỹ thuật là “Yêu” nhưng ưng nhất thì có lẽ là bức “Sinh”, phần lớn là vì ý nghĩa và tâm tư của mình trong tác phẩm. “Sinh” là bức tranh mình tặng cho mẹ, nó nói về tình mẫu tử và sự liên hệ giữa mẹ và đứa con của mình. Ngoài tình yêu vô điều kiện thì thông qua “Sinh” mình muốn đề cao chuyện “mang nặng, đẻ đau” của những người mẹ. Họ hy sinh cơ thể để nuôi ta trong suốt 9 tháng. Ta và mẹ đã là một nhưng giờ lại là hai cá thể độc lập.
Vật liệu mình sử dụng là len và chỉ. Kỹ thuật mình sử dụng được gọi là “wet felting”. Đầu tiên mình sẽ rải nhiều lớp len nhỏ và mỏng chồng lên nhau, sau đó sử dụng nước xà phòng và tay chà nhẹ, mạnh dần cho đến khi len đan xen vào nhau thành một. Sau đó xẻ thành 2 phần và cắt, khâu, thọc để tạo họa tiết. Mình chuẩn bị khung bằng canvas và thêu hai phần artwork lên tranh. Giữa hai phần thảm mình sử dụng chỉ đỏ là liên kết hai phần với nhau tượng trưng cho sự liên hệ giữa người mẹ và con mình.
Curser: Tác phẩm mang nhiều câu chuyện đăng sau và có thể nói cho mình nhiều cảm xúc nhất chính là bức tượng ‘ phantom lady ‘ – tên tác phẩm được dựa trên 1 tập phim của 1 series phim sci-fi.
Tình cờ sau 1 buổi ăn uống bên nhà người bạn (người cho mình mượn stu để làm các tác phẩm triển lãm), ‘Phantom Lady’ được mọi người lấy ra và bắt đầu thoải mái sáng tạo (vẽ, vẩy màu, đập, đổ tương ớt,…) sau cùng mình cảm giác rất lạ về ‘Phantom Lady ‘ thời điểm đó và quyết định đem về nhà tiếp tục hoàn thiện, giữ lại những đường nét mình nghĩ sẽ hợp và thêm thắt các yếu tố khác. Sau cùng đó lại là bức tượng được tham buổi triển lãm ‘ rục rà rục rịch ‘ – 2020 được tổ chức bởi Gốc Lab Creation và Toong Co Working Space trong chuỗi 3 sản phẩm mình gửi về (chỉ ‘Phantom Lady’ được chọn tham gia cùng các nghệ sĩ khác).
‘Phantom Lady’ là tác phẩm nói về vấn đề ‘con người’ nói chung, khi mình chợt nhận ra rằng chính bản thân mình đôi khi cũng đánh mất bản chất bên trong bởi những thứ hào nhoáng khác từ xã hội, quần áo, phụ kiện,… những thứ tạo nên vẻ bên ngoài của một con người. Nhưng thực chất thứ quý giá nhất chính là tâm hồn, sự trải nghiệm, sự kết nối. Tác phẩm đã được thêm màng bọc nhựa bên ngoài nói về sự bó buộc bản thân trước xã hội hiện đại, sự phát triển của công nghệ đồng thời đã làm cho con người mất đi sự giao tiếp, cảm nhận thuần túy đến từ 5 giác quan cơ bản của con người.
Goney: Còn mình vẽ bức “Hoa” lúc mình đang làm việc, trong khoảng khắc đó, trong đầu mình hiện lên câu hỏi, nếu con người và thiên nhiên hoà vào thành một thì sẽ như thế nào nhỉ? Xong mình liên tưởng mấy ngón tay mình là mấy cánh hoa và cái nhị hoa nó là hình tròn, làm mình liên tưởng đến con mắt và từ đó mình kết hợp cả hai lại. Thông điệp mình muốn truyền tải là con người và thiên nhiên nên hoà vào nhau thay vì tàn phá. Bên cạnh đó, hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, tìm thấy vẻ đẹp của bản thân mình như là tìm hoa hiếm trong rừng.
Các bạn bắt đầu với vẽ hay visual arts như thế nào? Tính từ lúc đó, phong cách nghệ thuật của các bạn đã tiến hóa ra sao?
Curser: Mình bắt đầu vẽ tay từ rất nhỏ, và những bức vẽ đầu tiên là về các nhân vật truyện tranh tuổi thơ của rát nhiều người như conan, doraemon, songoku,… nhưng bước chuyển mình lớn nhất có thể là khoảng thời gian thu mình và nhìn nhận bản thân vào khoảng thời gian 2016-2017 khi sự thôi thúc làm việc đến từ bên trong con người mình. Đó là lúc mình bắt đầu làm việc, hoàn thiện bản thân một cách chỉnh chu hơn. Có thể nói sự tiến hóa của bản thân mình là việc không ngừng trải nghiệm về vật liệu và đam mê với công việc.
Còn về quá trình sáng tạo của mỗi người, Curser, Daga và Gooney có thể chia đôi chút về cách mà các bạn thực hiện các tác phẩm được không?
Daga: Mình thường sáng tác dựa trên những cảm xúc hoặc những tâm tư khó nói, để hình ảnh là một đầu ra. Mình khai thác cảm xúc và phác thảo những ý tưởng trên giấy, sau đó làm một bản kỹ thuật số hoàn chỉnh. Tiếp đến mình sẽ nghiên cứu các kỹ thuật hoặc vật liệu phù hợp để truyền tải đúng cảm xúc mình muốn diễn đạt.
Curser: Hơi khác so với Daga một chút, mình là người theo xu hướng nếu đã thích cái gì hoặc đã suy tính làm việc gì sẽ làm cho đến cùng. Lao thẳng vào công việc và để những lần sai, trải nghiệm dẫn đường.
Nhưng qua thời gian mọi thứ mình làm từ từ có hệ thống hơn, có quy trình hơn có tính toán kĩ hơn nhưng luôn giữ bản thân có một sự hào hứng, hứng khởi nhất định cho những dự án mới (cái giúp mình hào hứng với sự sáng tạo là sự trải nghiệm với những chất liệu mới).
Goney: Trong quá trình sáng tạo, mình hay đặt câu hỏi về mọi thứ, tìm được câu trả lời cũng là lúc tìm được ý tưởng. Sau đó mình sẽ nghĩ tới cách thực hiện ý tưởng nó khả thi nhất rồi thực hiện nó theo đúng những bước mình đã vạch ra.
V2X còn để ý thấy các bạn còn hợp tác với các nghệ sĩ ở lĩnh vực khác như rapper Minh Lai, qua đó thì góc nhìn của các bạn về cộng đồng sáng tạo hiện nay của Việt Nam như thế nào?
Theo mình thời điểm hiện tại có thể nói là thời điểm quá thích hợp để phát triển trong cộng đồng sáng tạo. Khi công nghệ, mạng xã hội đã quá hỗ trợ các bạn về mặt kĩ thuật nhưng đồng thời vì mọi thứ đều có sẵn nên mình nghĩ sự sáng tạo của các bạn sẽ phải đột phá hơn nữa, mới hơn nữa hoặc cũng chính vì những sự có sẵn đó là rào cản các bạn thử những thứ mới.
Bọn mình cũng rất may mắn khi được hợp tác với anh em Under The Hood (UTH) và Nasty Nerd Gs (N2G), qua những lần làm việc với anh em thì mình cảm thấy được sự nhiệt huyết và mong muốn sáng tạo của mọi người và điều đó cũng là một động lực rất lớn cho bọn mình.
Sau triển lãm này, định hướng tiếp theo của Curser, Daga và Gooney là gì? Nếu được hãy chia sẻ cho V2X biết nhé!
Chắc chắn sẽ có những buổi thưởng lãm tiếp theo, nhưng về thời gian có thể sẽ là 2 năm nữa. Nhưng chắc bọn mình vẫn sẽ tiếp tục trải nghiệm những thứ mới liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo đồng thời tiếp tục học hỏi và thử nghiệm nhiều phương tiện để bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư của bản thân.