Categories
Culture

Tuý Gentry Buckner

“Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó 100% dành cho bạn, thuộc về bạn, và gợi lên những cuộc trò chuyện mỗi khi nó được nhìn thấy.”

Chiều chủ nhật đầu tiên của tháng tư đón những cơn gió lạnh, Sài Gòn bước vào mùa mưa, mây lũ lượt kéo ngang bầu trời nhìn từ chân tòa tháp Thảo Điền Pearl – nơi căn hộ cũng là workshop của chú Túy, nhà thiết kế trang sức mà chúng tôi đã rất mong mình có thể biết đến sớm hơn.

Qua cuộc hẹn với rapper Blacka hai năm trước, lần đầu tiên V2X biết đến một nhân vật đầy phi thường mà có lẽ bất cứ ai khi gặp, đều phải kinh ngạc dưới mọi góc độ dù nhìn hay hiểu về chú, Tuý Gentry Buckner. Với đôi chân khiếm khuyết, chú Túy di chuyển khắp mọi nơi bằng chiếc xe lăn, nhưng điều đó không thể giấu đi phong thái vững chải và rất “đời” người đàn ông này bởi bộ ria dài, giọng nói to hay sự tự tin toát lên từ bên trong hoặc đơn giản chỉ là qua cách mà chú dạy chú poodle của mình.

Sinh ra tại Việt Nam giữa chiến tranh, chú Túy không may mắc bệnh từ nhỏ khiến đôi chân bị bại liệt. Năm 1974, chú được nhận nuôi bởi một gia đình người Mỹ, đây cũng là lúc chú lạc mất mẹ ruột của mình. Những năm tháng tiếp theo, anh Túy lớn lên trong vòng tay của cha mẹ nuôi và những người anh, chị, em đa sắc tộc khác ở California, sau đó chú ra riêng và chuyến đến Hawaii sống như một cư dân đảo. Thời gian này cũng là lúc chú Túy nhận ra đam mê của mình đối với trang sức.

Năm 1991, người thanh niên gốc Việt với chiếc xe lăn bắt đầu cuộc hành trình tìm mẹ huyền thoại trong trí nhớ của mình, câu chuyện phi thường đến mức được BBC thuật lại chi tiết vào năm 2018. Sau cuộc đoàn tụ với mẹ ruột, chú Túy về Việt Nam kết hôn, mở một vài công ty và tiếp tục với niềm đam mê của mình – thiết kế trang sức.

V2X: Trang sức đã bén duyên với chú Túy như thế nào?

Chú Túy: Khi còn đi học, chú chưa từng nghĩ mình sẽ thiết kế trang sức. Lúc đầu, công việc chú làm là thiết kế đồ họa, đồng nghiệp lúc đó có người bạn cùng phòng sở hữu một công ty trang sức nhỏ. Một ngày nọ, có một đơn đặt hàng 3000 món trang sức, người đồng nghiệp ngỏ lời muốn chú qua thử sức và hỗ trợ. Thế là chú tham gia, mặc dù chưa bao giờ làm thứ gì liên quan tới trang sức, nhưng chú có cảm giác mình đã làm rất tốt và học rất nhanh.

V2X: Từ lúc nào chú khám phá được sự khéo léo của đôi bàn tay mình? Mọi thứ lúc đó như thế nào?

Chú Túy: Người Việt mình có câu “Có tật có tài” mà.

Từ đầu, chú đã làm mọi thứ với đôi tay này rồi. Lúc còn là một cậu bé với đôi chân khiếm khuyết, chú không thể ra ngoài và đi chơi như những đứa trẻ khác. Thay vào đó, chú dành thời gian khắc gỗ, thêu vá và cả graffiti. Ngoài ra, chú lớn lên ở Bay Area, San Francisco vào những năm 80, chú có một người anh họ là nghệ sĩ graffiti ở New York. Vẫn còn nhớ như in lúc mà The Fat Boys hay Run DMC, và những rapper khác mới nổi thời đó. Thật sự mình đã lớn lên cùng với những thứ văn hóa này, East Coast – West Coast.

V2X: Wow, vậy là chú Túy thật sự lớn lên cùng với hip-hop à? Chú có thể chia sẻ thêm về điều này không?

Chú Túy: Yeah, chắc chắn luôn! Biết điều hay ho nhất là gì không?

Chú về Việt Nam lần đầu tiên năm 91, đất nước hồi đó còn nghèo và chưa hề phát triển. Năm 2000, chú quay lại cùng với phát đoàn công nghệ thông tin của Mỹ, và cùng tổng thống Clinton. Lúc đó, một trong những vấn đề được đem ra bàn luận là có nên cho phép người Việt tiếp cận rộng rãi với internet hay không. Và rồi thấy đó, nhờ internet mà mọi thứ ở Việt Nam đang dần dần thay đổi và phát triển. Chú được thấy graffiti, rap, rock,… ngày càng nhiều hơn, thật thú vị khi được chứng kiến điều này từ đầu!

Và việc lớn lên trong một gia đình đa văn hóa, bố mẹ chú nhận nuôi anh, chị, em của chú từ khắp nơi trên thế giới, cho phép mình học hỏi từ nhiều nền văn hóa, con người, cách suy nghĩ khác sau nữa.

V2X: Vậy còn 2E & Co., chú bắt đầu thương hiệu trang sức của mình như thế nào? Rất mong được nghe chú Tuý chia sẻ về triết lý của thương hiệu và của chú khi tạo nên những thứ trang sức kỳ công này.

Chú Túy: Chú bắt đầu với cái tên 2E. Ở Mỹ người ta không thể phát âm đúng được tên chú, nên mình nghĩ ra 2E – đọc nhanh theo tiếng Chú sẽ ra được “Túy”. Sau đó, chữ 2E này được cách điệu nên tạo thành logo của brand luôn. Trước đó, chú làm những thứ lớn hơn, theo nghĩa đen, là làm đồ nội thất, làm xe lăn. Tất cả đều làm thủ công, bằng tay hết. Khi bắt đầu với trang sức, chú bị mê hoặc bởi ý tưởng mình uốn nắn được kim loại, đồng thời lồng ghép được câu chuyện vào thứ mình tạo ra.

Triết lý của 2E & Co. và của chú khi thiết kế trang sức là: “Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó 100% dành cho bạn, thuộc về bạn, và gợi lên những cuộc trò chuyện mỗi khi nó được nhìn thấy.” Ngoài kia, rất nhiều trang sức chúng ta có thể tìm được, nhẫn kim cương 3 carat hay chiếc lắc phủ đầy hột xoàn, nhưng những thứ đó sẽ thuộc về bất cứ ai, không chỉ là giá trị của riêng mình được .

Ở Việt Nam, trang sức giống như một món đầu tư, đồng thời cũng mang nhiều ý nghĩa cá nhân, chú muốn làm thứ trang sức sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như trang sức từ Ai Cập, đã ở đấy cả ngàn năm nhưng chúng vẫn đẹp và quý giá. Chú nghĩ điều làm cho trang sức đáng giá là nó sẽ mãi ở đó, trong gia đình của mình.

V2X: Rất dễ để thấy rằng mỗi món trang sức mà chú Túy làm đều có rất nhiều chất xám trong đó, rất nhiều những chi tiết bí mật đầy sáng tạo. Đặc biệt là chiếc mặt dây chuyền được giấu thanh gươm bên trong, V2X cực kỳ ấn tượng! Chú Túy có thể chia sẻ về cách mà anh sáng tạo không?

Chú Túy: Đầu tiên, khách hàng sẽ cho mình biết ý tưởng ban đầu của họ, sau đó chú sẽ tìm hiểu về chủ nhân của món trang sức này để phát triển ý tưởng đó, tránh sự xáo rỗng. Ví dụ như chiếc nhẫn mà có một người khách đặt chú làm chiếc nhẫn về “Alice In Wonderland” tặng cho vợ. Qua tìm hiểu, chú biết được cô gái đó thích cosplay, và đặc biệt thích steampunk. Vậy nên chú làm chiếc nhẫn Alice In Wonderland steampunk, với bánh răng, ống nước, những chi tiết cử động và đặc biệt là viên đá mặt trăng khi để dưới ánh sáng sẽ thấy được Alice bên trong.

Trong lúc thực hiện, chú luôn muốn lồng ghép câu chuyện vào món trang sức thông qua những chi tiết mà không ai ngờ tới. Khách hàng luôn luôn hài lòng, từ đầu họ đã biết họ muốn gì, nhưng chú hoàn thành ý tưởng đó cộng thêm những chi tiết thú vị nữa, sao mà từ chối được? Và đôi khi có những “happy accident”, những thứ hay ho tình cờ được tạo ra. Nhiều phát minh vĩ đại trên thế giới cũng đến từ sự ngẫu nhiên mà.

Nhưng làm nghề custom trang sức này, chú không được trả công cho thời gian thiết kế của mình. Mà thôi, quan trọng vẫn là tình yêu mình dành cho trang sức và sự thỏa mãn khi thấy gương mặt kinh ngạc của khách hàng khi nhận thành quả.

V2X: Ngoài ra thì chú Túy có lấy cảm hứng sáng tạo từ ai hay từ đâu không? Và liệu chú có ý định sẽ truyền thụ nghề này lại cho ai khác?

Chú Túy: Thật ra là không có ai cả, đa phần là từ trải nghiệm. Chú đã đi nhiều nơi trên thế giới, 34 nước khác nhau và có nhiều trải nghiệm đã ảnh hưởng đến mình tới bây giờ. Có thể kể đến như House of Fabergé và những quả trứng hoàng gia ở Nga, những bản vẽ máy móc cơ khí của Leonardo da Vinci, những móc câu bằng xương ở Hawaii, hoa văn họa tiết ở khắp châu Á và tất cả những thứ khác chú có dịp ghi chú lại. Từ đó tích lũy được những hiểu biết, cảm hứng cho riêng mình. À, còn từ khách hàng nữa, khi họ tìm đến mình và đưa ra yêu cầu, chú luôn phải nghiên cứu rất nhiều về lịch sử, phim ảnh, văn hóa,… Bởi chú không làm những thứ sáo rỗng.

Còn truyền nghề à, phần lớn thời gian chú có những người làm CAD (phần mềm thiết kế) hay những người thợ làm cùng, những người này đa phần chưa bao giờ làm CAD hay trang sức trong đời họ. Chú hướng dẫn họ như cách mà lúc trước chú học làm trang sức, sau đó dù họ không làm với chú nữa nhưng những thứ học được vẫn giúp họ kiếm được công việc tốt.

V2X: Hiện nay ở Việt Nam, việc nghệ sĩ bị copy, ăn cắp chất xám diễn ra thường xuyên. Chú Túy có sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình không? Nhất là những thiết kế đầy tính sáng tạo của chú.

Chú Túy: Chú là người của những ý tưởng, yeah. Có nhiều người từng làm và học từ chú sau đó ra ngoài làm, họ vẫn muốn làm giống chú và chú vẫn giúp đỡ họ. Nhưng vấn đề là chú có một bộ óc điên khùng. Chú không sợ bị copy, họ có thể thấy những thiết kế đó nhưng chẳng thể biết có gì bên trong, và cho dù những ý tưởng đó bị chôm đi chăng nữa, thì chú cũng đang tạo ra ý tưởng tiếp theo rồi. Chú đăng thiết kế của mình lên hết trên mạng, không quan tâm.

V2X: Câu hỏi cuối cùng, nếu bằng cách nào đó chú có thể thay đổi nhận thức của xã hội đối với trang sức, điều chú muốn làm nó khác đi là gì?

Trăn trở của chú cũng như của 2E & Co. là hãy mang câu chuyện vào món trang sức, đừng chỉ kiếm lời từ nó, trang sức xứng đáng được kết nối với con người, văn hóa và cả tín ngưỡng. Bên cạnh đó, hãy thách thức những cách suy nghĩ truyền thống bằng ý tưởng sáng tạo, đẩy nó đến những giới hạn mới!

Categories
Music

i-nghe: #2 Minh

Minh – 20t – Founder brand Faultier / Freelance Graphic Designer

+ “Gần đây, mở Faultier đối với em là một vai trò mới thử sức nhưng lại là công việc chiếm nhiều phần thời gian trong cuộc sống của em hiện tại. Tuy nhiên, nó giúp em bắt đầu biết chọn lọc và cân bằng, biết được cái nào cần ưu tiên và nên lược bỏ bớt điều gì không thoải mái”

+ “Âm nhạc đối với em là tiếng nói, là sự giải toả”

+ “Em nghe nhạc mọi lúc, sáng thức dậy đánh răng phải nghe, đi xe ngoài đường cũng sẽ nghe, ăn hay ngủ hay làm việc cũng nghe, có nhiều lúc đi học mà vào ngay hôm chán quá thì bữa đó em nghe nhạc không nghe giảng luôn” (hahaha)

+ “Mỗi khi có áp lực hay chuyện không vui, việc nghe nhạc đối với em giống như cảm giác đi ra một khu rừng ngắm bình minh, có cây có nắng có sương… nói chung là cảm giác làm dịu bản thân và được chữa lành” – “tự nhiên cảm thấy mình giống nhà thơ quá”

+ “Các thời gian rảnh em còn đọc sách, hangout với người yêu, Netflix, xem Drag queen..”

+ “Thật ra là vì nghe nhạc mọi lúc nên em nghĩ không cần chứng minh nó quan trọng với em cỡ nào”

+ “Em quan trọng là nghe giai điệu âm nhạc trước và sau đó mới để ý đến lời nhạc”

Shot with NOMO INS W.

+ “Em nghe hầu hết tất cả các thể loại nhạc, all time favorite là R&B Pop, ngoài ra còn lài Pop, Pop Ballad, Kpop, US-UK, Thai Pop lâu lâu cần tìm cảm giác mạnh sôi nổi thì em nghe các loại nhạc dance luôn, em cũng thích nghe nhạc xong nhảy nữa” – cười.

+ “Hôm nay em sẽ cho mọi người nghe all time fav của em: R&B Pop, dòng nhạc này em dùng rất nhiều thời gian cho nó, dòng nhạc này luôn là sự ưu tiên của em mỗi lúc em bật nhạc lên”

+ “Chủ đề em mang đến trong playlist của mình sẽ là về tình yêu, có thể nói 2 năm qua là thời gian em cảm thấy thăng hoa nhất trong chuyện tình cảm của mình, điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến tâm trạng của em mỗi ngày và đương nhiên là kể cả âm nhạc của em, và em muốn chia sẻ năng lượng đó đến mọi người”.

+ “Đầu tiên là Shot Clock – Ella Mai. Ella Mai là nữ nghệ sĩ em thích nhất và đã yêu thích chị ấy từ 2017 đến giờ, bài hát này nói về thời gian 1 ngày có 24 giờ nhưng thời gian để 2 người nắm bắt cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình chỉ có 24 giây. Dù là 24 giờ hay 24 giây thì thực sự là rất ngắn, mình nên tận dụng và đừng để thời gian hay tình yêu của mình trôi đi vô nghĩa”.

+ “Bài tiếp theo là You gonna love me – Teyana, bài này em thấy lời nhạc khá đơn giản, nhưng em nghĩ em cảm nhận được tình huống 2 người trong bài hát đang giận nhau và bạn nữ đang muốn làm hoà nhưng cách bạn nói vẫn còn ego trong đó, kiểu “you gonna love me” … nghe rất là chắc chắn và hiển nhiên là dù như điều gì thì bạn trai cũng sẽ phải yêu cô ấy thôi”

+ “Ordinary – Umi, bài này em cũng thấy lời nhạc không phải quá sâu sắc nhưng có thể thấy được một thông điệp khá quen thuộc trong tình yêu: dù có như thể nào thì ta cũng chỉ yêu nhau từ nguyên bản của đối phương, Umi muốn nói với người yêu là đừng cố thay đổi để làm khác đi so với bản thân mình… Dù vậy nhưng giai điệu của bài này khá hay, sẽ làm cho chúng ta muốn yêu lắm, dễ thương lắm”.

+ “Vậy đó, em nghe nhạc giống như hành trình khám phá các khía cạnh, cá tính khác nhau trong tình yêu thôi, em nghĩ là không ít người giống em đâu, tình yêu thì luôn quan trọng với con người và việc tìm hiểu nó mỗi ngày, qua những khoảnh khắc bình dị nhất như nghe hay thấy một câu chuyện, xem một cuốn phim, nghe một bài nhạc rồi lại hồi tưởng dư âm tình yêu đâu đó thì thật sự rất thú vị”.

+ “Tình yêu sẽ đến lúc bạn không cảnh giác nhất” – cười lớn.

i-nghe: #2 Minh

Categories
Music

i-nghe : #1 Lễu Lêu Lêu

“Em thực sự không hiểu lời nhạc, nhưng em nghĩ… có thể gọi đó là sự đồng điệu qua âm thanh”

Lễu – 20t, Fashion Designer, HCMC.

+ “Ngoài công việc thì thời gian còn lại em nghe nhạc rất nhiều, em nghe được nhiều thể loại nhạc lắm nhưng do nhạc của em khá “dark” nên thường khi ở cùng người khác, em sẽ không chọn bật nhạc của mình mà sẽ nghe nhạc của người đó chọn cho em nghe”

+ “Ngày xưa lúc đi học em cũng thích nhảy nữa, dù không theo đuổi việc nhảy nhưng em mê sexy dance, nhờ đó mà em biết mình thích những dòng nhạc chậm, “rên rỉ” và nhạc có những âm thanh ma mị.”

Sopor Aeternus (Nguồn : IG Sopor Aeternus)

+ “Nhạc lúc em nghe khi thiết kế khác với mood nhạc nghe ở các thời điểm khác, khi cần cảm hứng em sẽ nghe nhạc sôi động như Y2K (trào lưu những năm 2000 – “the year 2000″), những lúc còn lại sẽ là những nhạc mang âm hưởng tâm tối và khá tiêu cực (cười)”

+ “Nghệ sĩ em nghe nhiều nhất là SOPOR AETERNUS, vô tình em biết đến nghệ sĩ này trong khoảng giai đoạn mình bị tiêu cực, có điểm khá đặc biệt là bạn này cũng là một bạn con trai chuyển giới nữ, rồi âm nhạc của bạn cũng tiêu cực như em trong giai đoạn đó nên nhạc của bạn vừa hấp dẫn em vì nó làm em thấy được đồng cảm nhưng cũng là giúp em có thể giải toả được”

Sopor Aeternus (Nguồn : IG Sopor Aeternus)

+ “Dù thích lắm nhưng có thời gian em quá tiêu cực và em không dám nghe nhạc của bạn ấy luôn, sau khi qua đoạn đó rồi thì tiếp tục nghe lại vẫn thấy hay và vẫn thích nhất”

+ “Nhạc của Sopor kích thích mảng tối trong em, nhiều khi bí ý tưởng em cũng nghe nhạc của bạn để lấy cảm hứng và dù sau đó ý tưởng nảy ra được cũng khá là tiêu cực nhưng mà em thực sự thấy thoả mãn và enjoy”

Tác phẩm của Lễu – lấy cảm hứng từ âm nhạc Sopor Aeternus (Nguồn : Lễu)

+ “Em thực sự không hiểu được lời nhạc của Sopor đâu nhưng em nghĩ là khi nghe em có thể hiểu được viễn cảnh và những suy nghĩ từ giai điệu trong bài hát, có thể gọi đó là sự đồng điệu qua âm thanh”

+ “Mặc dù màu nhạc không mang đến sự tích cực nhưng nhờ vậy mới kích thích được mặt tối trong mình nhưng giúp giải thoát nỗi buồn ra ngoài để chừa không gian nội tâm cho sự tích cực và khơi dậy nguồn sáng tạo bất tận”

Tác phẩm của Lễu – lấy cảm hứng từ âm nhạc Sopor Aeternus (Nguồn : Lễu)

+ “Em không bao giờ nhớ tên của 1 bài nhạc và nhất là nhạc của Sopor là em chỉ nghe full list, nhưng em nghĩ là 3 bài này đủ đặc biệt để em nhớ tên nó (chắc là hoàn cảnh lúc nghe làm em ấn tượng), mọi người cùng nghe nhé:

Playlist i-nghe: #1 Lễu Lêu Lêu (nhấn vào link hoặc ảnh bên dưới) ⇩

+ “Bình thường em không bao giờ share nhạc của mình cho ai đâu nhé (cười) – Lễu