VQ : Hello Tùng! Theo như tôi được biết thì Tùng là một kiến trúc sư. Vậy không biết có hợp lý để nói Tùng thuộc tuýp người sáng tạo không? Đặc thù của ngành nghề này ảnh hưởng như thế nào đến việc viết nhạc của bạn?
T : Tùng thấy hợp lý để nói vậy. Khi làm kiến trúc, Tùng sử dụng trí tưởng tượng nhiều về những viễn cảnh mình đề xuất. Và chẳng biết sao, Tùng cũng chỉ có thể viết nhạc khi có một hình ảnh trong đầu, bất cứ điều gì: một bức tranh, một khoảnh khắc, một cái liếc nhìn hay thậm chí là một khung cảnh trong một bộ phim. Tùng nghĩ rằng điều riêng biệt của âm nhạc mình là cách mình tạo ra những viễn cảnh trong bài hát để nhẹ nhàng tiếp cận với cảm xúc người nghe hơn là tả trực tiếp về cảm xúc đó. Tùng quan niệm việc mình tả trực tiếp về những cảm xúc là một cách “hơi thô bạo” trong âm nhạc. Thế nên Tùng dùng những hình ảnh. Nó sẽ tinh tế hơn, mang tính cá nhân hơn, vừa đồng cảm mà vừa riêng tư cùng một lúc.
VQ : Về âm nhạc, mọi người thường nhận diện âm nhạc của Tùng là dòng nhạc indie & alternative. Tùng có thể chia sẻ thêm về các nghệ sỹ mà Tùng ngưỡng mộ trong dòng nhạc này được không?
T : Tùng không quá quan tâm mọi người xem âm nhạc của mình là dòng nhạc gì đâu. Việc phân chia các dòng nhạc không có ý nghĩa gì nhiều đối với Tùng. Mình nhận nhiều cảm hứng từ các nghệ sỹ Việt và nước ngoài. Tùng bắt đầu viết rap năm 2009, lúc đó những người anh em trong cộng đồng G-family vừa là những người bạn quý vừa là nguồn cảm hứng cho Tùng rất nhiều như: Acy, Cam, Táo, DatManiac… Năm 2013, mình tự học guitar và tập sáng tác nhạc. Nghệ sỹ ảnh hưởng nhất có lẽ là Damien Rice.
VQ : Album vừa rồi ’26: individualism’ của Tùng có một cá tính mạnh và rõ ràng cho âm nhạc 2020 – trong đó có những bài hát dài hơn 5 phút. Tùng nghĩ gì về điều này? Liệu có ai khuyên Tùng nên làm bài hát ngắn hơn để dễ dàng tiếp cận được nhiều người nghe hơn?
T : Thật sự là không đủ cho Tùng truyền tải những gì mình muốn gửi gắm trong “vùng an toàn” của một bài hát. Tùng không biết, có lẽ cho Tùng chưa khéo léo chăng? Các bài hát dài hơn 5 phút mình thường viết về những hành trình chuyển biến tâm lý, viễn cảnh nhiều, Tùng cảm nhận nó cần thêm thời gian để chữa lành, hoặc đưa ra một quyết định, hoặc cũng có thể đơn giản giải bày hết những trải nghiệm của mình. Tùng không quá để ý về thời lượng của bài hát đâu, mình sẽ kết bài khi mình cảm thấy đủ. Trong album, có một bài hát chỉ dài 2 phút, không phải là Tùng không thể viết nữa, mà chỉ đơn giản là thấy đủ rồi.
Tùng hiểu sự quan trọng của “vùng an toàn” khi viết nhạc, đặc biệt là vào kỷ nguyên công nghệ số bây giờ. Nhưng mà, Tùng rất rõ ràng với bản thân mình rằng âm nhạc của Tùng không thể đặt vào một cuộc đua nơi mọi thứ được đánh giá qua số lượng views được.
VQ : Tôi chưa đọc hay tìm thấy bất kì ý nghĩa nào về con số 26: trong album của Tùng, nó có nghĩa là gì?
T : À, nó chỉ đơn giản là tuổi của Tùng thôi. Tùng có một ám ảnh về việc đánh dấu thời gian. Số tuổi chỉ là ghi nhớ khoảng thời gian này mình đạt được những gì thôi. Album tiếp theo có thể là 27: propaganda hay gì đó chẳng hạn, mình chả biết haha.
VQ : Tôi thấy bạn có ủng hộ sản phẩm của Wean trên mạng xã hội. 2 bạn có quen nhau không? Có nghệ sỹ nào mà muốn shout out để thể hiện sự ủng hộ không? Có thể là về những nghệ sỹ ở các lĩnh vực khác (như điện ảnh, văn học, hội họa…) mà Tùng mong muốn được hợp tác.
T : Wean và Tùng sẽ có một sản phẩm chung sắp tới nằm trong EP của Wean. Wean là một người dễ thương, hòa đồng và cực nhiều năng lượng, song song cũng là một rapper mình đánh giá bắt trend rất nhạy. Hãy đón chờ các bài hát tới của Wean nhé!
Gần đây, mình có cơ hội được làm việc cùng người đạo diễn mà mình rất ngưỡng mộ, anh Quân Nguyễn (BLAZE) trong dự án MV Con Chim Trên Cành Hát Về Tình Yêu. Có thể nói anh là một người cầu toàn thích làm các dự án mang tính thử nghiệm cao và sẵn sàng với các rủi ro trong đó. Nếu bài hát về sự tuyệt vọng, anh sẽ tập trung vào vẻ đẹp của sự tuyệt vọng. Kiểu vậy. Thật sự rất vui được làm việc cùng anh.
Còn lại, Tùng sẽ giữ bí mật với các nhân vật mà mình muốn hợp tác vì sợ nói trước bước không qua haha.
VQ : Về individualism: album của Tùng dường như tập trung vào sự cô lập và những khoảng cách – một chủ đề điển hình của 2020 với các sự kiện cách ly xã hội…Bạn nghĩ gì về điều này? Tùng có phải là người thoải mái với sự cách ly hay là người chủ động kết nối với những người khác? (Ví dụ: một số người nội tâm dường như cảm thấy ổn với hiện trạng cách ly xã hội, trong khi những người hướng ngoại đang cố gắng kết nối hơn với bên ngoài.)
T : Một câu hỏi thú vị! Có thể xem Tùng là một người hướng nội đang cố gắng kết nối với bên ngoài chiếc hộp của mình. Tùng thường hay viết khi có nhu cầu được kết nối. Các bài hát của Tùng luôn muốn hướng về sự đồng cảm, an ủi và sự thành thật. Tùng học lại từ đầu cách thành thật với bản thân mình và nhận ra việc này khó lắm, mình rất cần thời gian và sự dũng cảm. Như cách trung thực với nỗi buồn và sự tuyệt vọng của mình, đôi khi sự kết nối lại là giữa mình và mình. Hì, cũng không có gì to tát cả đâu, chỉ là thành thật thôi.
VQ : Hãy nói về kiến trúc, thiết kế bìa album của Tùng có 1 tòa nhà được chia ra thành nhiều block nhỏ nhìn cô lập với nhau, cảm giác giống Babel, nhưng đồng thời được kết nối bởi các bậc thang giữa các block. Đây có phải hình mẫu nhà lý tưởng tương lai không? Vừa riêng tư, vừa kết nối?
T : À, tòa nhà này là một ý tưởng Tùng thiết kế cho một project khi còn học đại học. Thiết kế này cung cấp một tổ hợp “hàng xóm thẳng đứng”, để tiết kiệm không gian cho những thành phố lớn. Con người trong tòa nhà này sẽ vừa có không gian riêng tư (bên trong block) và không gian cộng đồng (ở trên mái từng block) được kết nối bởi hệ thống thang. Mỗi block nhà sẽ có những câu chuyện riêng để kể. Tựa của album là individualism và điều làm tăng tính cá nhân nhất chính là ở giữa cộng đồng. Và đúng, vừa riêng tư, vừa kết nối.
VQ : Album của Tùng tập hợp rất nhiều âm thanh và nhạc cụ, từ ukulele cho đến brass, thậm chí là có cả các âm thanh từ những năm 80s trong Luna. Cảm hứng nào để Tùng tìm ra những sự lựa chọn phối khí này cho từng bài hát?
T : Khi tự sản xuất album đầu tay cho mình, Tùng mất nhiều thời để mày mò xem mình có những gì, sử dụng được gì trong từng bài hát. Những âm thanh và nhạc cụ được phối lại hầu hết là trên tinh thần thử nghiệm vì Tùng không có kiến thức nhạc lý. Nhạc cụ mình yêu thích nhất để phối là brass, cello, đôi khi sax vì nó mang lại màu bất tử cho bài hát – nghĩa là không cũ và không mới. Nhạc cụ khó nhất để dàn với mình có lẽ là drums vì độ cảm nhịp của Tùng còn kém lắm. Nên album này chưa khai thác hết được phần drums. Dù sao, cũng thú vị khi nghe một album được phối bằng bản năng sẽ như thế nào, nhỉ?
VQ : Sẽ là không đủ để tôi có thể phân loại những cảm xúc mà Tùng truyền đạt bằng các từ thông dụng như sầu muộn, nỗi sợ, nỗi buồn hay hy vọng. Tùng có thể chia sẻ thêm về cảm xúc mà Tùng muốn truyền tải nhất trong album này không?
T : Bài hát thay đổi bản thân Tùng nhiều nhất là bài Con Chim Trên Cành Hát Về Tình Yêu – đây cũng là bài hát chủ đề của album. Bài hát Tùng tâm đắc nhất có lẽ là Gam Màu Tím Ở Rìa Thế Giới. Những cảm xúc trong 2 bài hát này Tùng thường gọi là những cảm xúc ở rìa, vì thường bị lờ đi và khi hát sẽ giống như một người đang đi dạo trên một bờ vực, lúc đó sẽ trung thực nhất. Phần còn lại, Tùng không biết làm gì khác ngoài việc để dành cho các bạn cảm nhận.
Và MV Con Chim Trên Cành Hát Về Tình Yêu vừa ra mắt…